Tin tuc 24h Hàng nghìn người dân làng Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đang khổ sở vì cơn khát nước sạch. Cả làng phải dùng nước ao tù để sinh hoạt từ nhiều năm nay.

Cơn khát nước sạch
Những ngày nắng nóng, đi dọc con đường dẫn vào làng Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ dễ dàng bắt gặp cảnh tấp nập người dân đổ ra ao tù trước sân đình gánh nước.
Những người đàn ông trên tay mang đủ các vật dụng để chở nước đưa về nhà dùng. Chị em phụ nữ thì tay xô, tay chậu đựng quần áo, rau, thịt ra đó để giặt, rửa. Những hộ ở gần bờ ao thì sử dụng máy bơm nước trực tiếp về bể lọc tại nhà. Tuy nhiên, do lượng máy bơm quá nhiều nên hệ thống ống dẫn nước chằng chịt như mắc võng trên các cột điện. Cuộc sống của cả làng Ngọc Than vô cùng khổ sở vì thiếu nước sạch.
Bên này giặt quần áo, bên kia rửa thịt cá...
Bên này giặt quần áo, bên kia rửa thịt cá...
Những hộ gia đình gần ao làng phải bỏ ra vài triệu đồng mua máy bơm, hệ thống ống dây dẫn nước, bể lọc... Vì số hộ nhiều mà lòng ao hạn chế nên người dân Ngọc Than tập chung 4-5 hộ sử dụng một giếng bơm.
Giếng bơm ở đây là một ụ được xây bằng gạch gần bờ ao có nhiều lỗ nhỏ để nước chảy vào, đồng thời ngăn rác, bùn vào trong. Còn máy bơm được xây và lắp trên bờ và được che, khóa cẩn thận. Mỗi một hộ ít nhất phải xây hai bể lọc. Nước được bơm về trực tiếp vào bể lọc, sau đó mới có thể sử dụng. Bể lọc thủ công của các hộ dân được làm rất đơn giản từ cát và than củi.
Đường ống dẫn nước chằng chịt từ giếng bơm.
Đường ống dẫn nước chằng chịt từ giếng bơm.
Còn những hộ ở sâu bên trong, cách xa ao làng thì buộc phải ngày ngày ra ao chở nước về dùng.
Chị Lam (34 tuổi) ở sâu trong làng chia sẻ: “Nhà tôi 6 khẩu, nhu cầu dùng nước rất lớn. Khoảng 5 năm trở lại đây cũng như hàng trăm hộ dân khác, gia đình tôi cũng dùng nước ao tù để sinh hoạt. Trước đó, cả làng dùng nước giếng khơi nhưng nay đào sâu tới mấy cũng không có nước để dùng. Cả làng phải dùng nước ao. Mỗi khi ao hết nước, phải tháo cống từ nước kênh, rạch về bổ sung. Vào mùa khô, nguồn nước chủ yếu là nước mưa được tích lại trong bể và mua nước bình".
Thiếu nước, các hộ gia đình ở đây phải nhịn các nhu cầu sinh hoạt để tiết kiệm, từ tắm, giặt đến các ăn uống, làm gì cũng phải tính toán để đỡ phí nước. “Nhà tôi nấu cơm phải dùng nước vo gạo để rửa rau. Tôi và các con đi làm về đều ra ao tắm. Tất cả quần áo, chăn màn vợ và con dâu phải mang ra ao giặt từ sáng sớm để tranh thủ về còn đi làm kiếm tiền nuôi các cháu. Hàng ngày, tôi và con trai đi làm là nguồn thu nhập chính. Còn vợ và con dâu tôi làm ở nhà và chủ động hai lần đi kéo nước ngoài ao về để sinh hoạt. Vì nhà xa nên không thể bơm bằng máy được, trời nắng nhu cầu dùng nước càng cao nhất nhà vệ sinh. Kinh tế gia đình không khá giả, tiền làm được bao nhiêu chi phần lớn cho việc mua thiết bị lọc nước cải thiện sinh hoạt.” – ông Nguyễn Văn Tổng (63 tuổi) cho biết.
Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Nguồn nước tập thể này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh dịch lây lan. Ở đây ai ai cũng biết điều đó nhưng lực bất tòng tâm, không thể làm khác được. Nguồn nước ao làng chủ yếu được bổ sung do lượng nước mưa lớn vào mùa hạ và lượng nước từ kênh, rạch xung quanh. Vì thế chất lượng nước không nói ai cũng biết. Xung quanh bờ ao ở bốn góc đều xuất hiện đủ thứ rác bị trôi dạt vào bờ.
Người dân đang khát nước sạch, nên có nước ao dùng là tốt lắm rồi.
Người dân đang "khát" nước sạch, nên có nước ao dùng là tốt lắm rồi.
Hệ thống máy bơm, ống dẫn nước mắc kín dọc bờ ao, trong đó có cả dây điện. Bình thường thì không sao, nhưng dầm mưa, dãi nắng dây điện rò rỉ rất nguy hiểm. Mới đây có một thanh niên trong làng đi mắc đường ống dẫn nước về nhà không may trượt chân ngã tử vong. Còn cảnh người dùng nước ao bị mẩn ngứa thì xảy ra như cơm bữa, đến mức người làng cũng chẳng buồn đi khám.
Cả làng ăn uống tắm giặt trong cùng một cái ao.
Cả làng ăn uống tắm giặt trong cùng một cái ao.
Có một điều mà người dân thôn Ngọc Than vẫn rất thắc mắc và chưa được giải đáp, đó là địa phận thôn nằm gần trung tâm thị trấn huyện Quốc Oai, gần với hệ thống đường ống dẫn nước sạch Sông Đà, thậm chí chỉ cách vài trăm mét theo đường chim bay, nhưng từ trước tới nay họ chưa hề có được một giọt nước sạch. 
Người dân khát nước sạch mà hàng ngày chứng kiến đường ống dẫn nước lớn nhất miền Bắc chạy qua mà thèm khát. Họ vẫn nói vui với nhau rằng: “Có ước nước cũng không về làng!”.
Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ, cho biết, để giải quyết tình hình trước mắt, UBND xã Ngọc Mỹ đã khẩn trương thanh lý các hợp đồng, giao khoán cho các hộ sử dụng mặt ao sen để chăn nuôi gia súc, gia cầm, giải tỏa mặt ao và kênh dẫn nước vào ao để cải tạo chất lượng nước ao sen, tạm thời có nước sinh hoạt cho nhân dân. Hiện Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thônđang lắp đặt hệ thống lọc nước để người dân được sử dụng nguồn nước an toàn.
Ông Đỗ Lại Bình, Phó chủ tịch huyện Quốc Oai, cho biết: "Năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội đã chỉ đạo lắp đặt thử nghiệm 2 thiết bị lọc nước quy mô hộ gia đình để xử lý nguồn nước ao; Công ty cổ phần Năng lượng và môi trường NuSa Việt Nam cũng đã đầu tư bể xử lý nước thô tại ao. Thành phố cũng đã có chỉ đạo về việc cung cấp nước sạch cho người dân Ngọc Than. Dự án cấp nước được giao cho Công ty nước sạch Hà Nội. Tuy nhiên đến nay công ty này vẫn chưa hoàn thành hồ sơ. Huyện cùng với xã Ngọc Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất để kéo đường ống nước sạch nhưng không biết đến bao giờ mới hoàn thành dự án".
Theo: Tin tuc - Dantri.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top