Báo giáo dục Trước việc Bộ GD-ĐT cấm thi tuyển vào lớp 6, các trường THCS có số lượng dự tuyển cao quá mức chỉ tiêu đang phải gấp rút xây dựng phương án thay thế.
Nhóm học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam trong một chương trình của trường - Ảnh minh họa. |
Sàng lọc bằng kiểm tra (test) phát hiện năng lực học sinh là phương án Trường Hà Nội - Amsterdam đang dự kiến.
Tránh trực tiếp tổ chức các bài thi kiểm tra kiến thức văn hóa như trước, Trường Hà Nội - Amsterdam xây dựng bài test đòi hỏi học sinh biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Đây là một yêu cầu cao hơn mà để có kết quả cao, học sinh cần biết thông qua kiến thức để hình thành năng lực toàn diện.
Theo lãnh đạo Trường Hà Nội - Amsterdam, tất cả học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đều có đủ điều kiện nộp hồ sơ xin xét tuyển và thực hiện bài test đánh giá năng lực. Học sinh sẽ hoàn thành bài test trong 45 phút dưới dạng bài viết.
Bài test được xây dựng dựa trên cơ sở chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục tiểu học hiện hành nhằm phát hiện năng lực ngôn ngữ, không gian hình ảnh, logic, sáng tạo, cơ thể và tri giác vận động, nội tâm (gồm hành vi, thái độ, giao tiếp).
Sử dụng bài test năng lực, chỉ số IQ, EQ là hướng nhiều trường đặc thù hiện nay đang xây dựng.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, ngày 15-4 mới chốt phương án xét tuyển của các trường. Trước đó một ngày, các trường muốn tổ chức xét tuyển khác so với quy định chung phải gửi đề án về Sở GD-ĐT Hà Nội. Các phương án có tổ chức thi các môn văn hóa như toán, tiếng Việt, tiếng Anh sẽ bị loại ngay từ đầu vì trái với quy định của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng dù thay đổi hình thức bài test thì đây vẫn là một cách tổ chức thi. Một hình thức thi mới tiềm ẩn áp lực cạnh tranh căng thẳng hơn cả lối thi truyền thống trước đây. Tuy nhiên, nếu không áp dụng được hình thức kiểm tra này thì các trường sẽ rơi vào bế tắc khi những giải pháp mang tính hành chính như phát hành đơn xin nhập học có hạn chế, phát tích kê để phụ huynh xếp hàng, xét học bạ đều không khả thi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét